Chào mừng đến với Website trường THCS Bình Long
Giới thiệu sách hay: NGƯỢC CHIỀU VUN VÚT (“thằng tây” nói về “thằng ta”)
Blogger người Canada Joe đã trở lại với cuốn sách thứ hai sau bestseller Tớ là Dâu.Tuyển tập hơn 60 bài viết đặc sắc nhất của Joe trong suốt 4 năm qua với tham vọng trình làng một “phiên bản tác giả mới nhất” - một “tôi bây giờ khác nhiều với tôi cách đây mấy năm”. Đó là Ngược chiều vun vút.

1. Blogger người Canada Joe đã trở lại với cuốn sách thứ hai sau bestseller Tớ là Dâu.Tuyển tập hơn 60 bài viết đặc sắc nhất của Joe trong suốt 4 năm qua với tham vọng trình làng một “phiên bản tác giả mới nhất” - một “tôi bây giờ khác nhiều với tôi cách đây mấy năm”. Đó là Ngược chiều vun vút.


2. Xin trích dẫn từ một bài viết của Joe trong Ngược chiều vun vút , khi bàn về văn hoá chào của người Việt:

-Tôi vẫn cho rằng nếu chỉ có hai lựa chọn “Hello” và “Xin chào” thì các anh chị làm nghề phục vụ nên chọn “Xin chào” để dùng với khách Tây. Trong mắt đa số thì “Xin chào” thắng “Hello” tuyệt đối....Chào anh đi.Chào chị đi. Khách tây sẽ hiểu, còn nếu chưa thì đó là cơ hội bạn dạy thêm về văn hóa Việt Nam cho họ  – “You are my ‘chị’, it means ‘older sister’”. Đó là một Việt Nam tôi muốn du khách muốn thấy.Một Việt Nam tự tin.Một Việt Nam tự nhiên.Không phải một Việt Nam “generic” đạt tiêu chuẩn ISO 9002.

- Tôi xin kết thúc bài viết đanh đá này bằng một câu chuyện vui. Hồi mới sang Hà Nội, tôi thuê nhà trong một khu chung cư cũ. “Hello, Hello”, các cháu kêu mỗi khi thấy tôi xuống cầu thang. Đứa nào ngại bị bố mẹ giục: “Ông Tây kìa. Con Hê-lô đi”. Tôi cười mỉm, vẫy tay, bước ra khỏi cổng. Ngay cổng hay có một cháu trai khoảng bốn tuổi đạp xe đạp theo vòng số tám, mặt nó to, tóc nó ngắn tũn. Khi thấy tôi, nó liền nhìn lên và nói “Chào chú!” (Còn chưa thấy thì bố nó nhắc: “Con ơi, chào chú kìa!”) Tôi quý nó lắm! Quý nó vô cùng.Người Việt khá khiêm tốn, quý khách, nhiệt tình hòa nhập – nhưng hòa nhập đến mức thay lời chào của mình bằng lời chào của người ta “hé-lộ” một điều khó nói.

3. Sau đây là trích dẫn một cuộc trò chuyện về tác giả Ngược chiều vun vút giữa Nhà báo Dương Phương Vinh, một nữ phóng viên kì cựu của báo Tiền Phong và nữ sĩ Đỗ Hoàng Diệu- tác giả của truyện ngắn “Bóng đè”:

- Dương Phương Vinh: Trình tiếng Việt của Joe không chỉ biểu hiện ở cách anh ta dùng từ. Anh ta trích dẫn Nam Cao tả người đàn ông túng đói ôm mộng văn chương: “Nhưng cái mộng ấy cũng hơi…khỉ khỉ”. Joe bảo rất thích câu ấy.

Trong một entry vui về ẩm thực, Joe phát hiện ra: “Tiếng Việt cho phép mô tả nhiều khía cạnh tình yêu, tình dục, bạo lực, bệnh tật mà chỉ dùng mỗi từ ẩm thực: Anh vẫn là thằng ăn ốc, hiểu chưa? Tôi chỉ đổ vỏ cho gọn. Mà anh vừa đi bóc bánh trả tiền phải không?Mất vệ sinh quá anh ơi. Để tôi tìm cho anh mấy chỗ toàn rau sạch, dinh dưỡng hơn nhiều.Anh chắc không muốn bị dính chôm chôm”.

Nói chung, nhà ngôn ngữ kiêm ma xó này khiến ta vừa buồn cười vừa phải xem lại mình, đã tinh thông tiếng mẹ đẻ đến đâu, và không chỉ có thế?

-Đỗ Hoàng Diệu:  Nói thật lúc Joe mới xuất hiện tôi không để ý lắm. Bởi người Tây nói và viết tiếng Việt chẳng xa lạ gì với tôi.Đến khi đọc Ngược chiều vun vút, tôi giật mình. Joe giỏi quá!

Cách anh ta nhảy múa với ngôn từ, thật đặc biệt.Nói không ngoa thì hiếm nhà văn nội nào làm được thế. Joe viết trong Taxi lừa: “Tôi ít bị taxi lừa, ít bán đường cho các anh thèm của ngọt”, rồi “Tôi mở cửa là anh taxi chạy mất bánh”. Kiểu chơi chữ độc đáo, hài hước.Và vô cùng tự nhiên.

Cứ như thể tiếng Việt là những con cá nhỏ nhiều màu sắc chạy tách tách trong người Joe, khi nào cần, anh chàng huýt một cái là muôn màu rào rào túa ra. Kiểu viết mà chỉ những gã láu cá mới nghĩ ra.Tôi không biết văn tiếng Anh của Joe thế nào, đồ rằng anh chàng viết tiếng Việt giỏi hơn. Cái lém lỉnh cộng với sự cảm nhận tinh nhạy của Joe hợp sóng với ngôn ngữ Việt đa dạng, để anh chàng thỏa sức luyến láy những suy nghĩ “khỉ khỉ” của mình.

-Dương Phương Vinh: Ngoài hài hước, tự nhiên như chị nói, ông Tây bún đậu này còn đầy biến hóa trong thủ pháp. Lúc tỉnh rụi lúc ngoa ngôn ngụy ngữ. Ngoa, ví dụ nghe bình luận bóng đá trên VTV, chỉ muốn nhai lá ngón! Tả hung thần lái xe đánh võng như sinh viên Bách khoa chơi Playstation 3, coi tính mạng mấy chục người giá trị ngang đĩa game. Phụ nữ Việt ế chồng bởi cứ ngồi căng khẩu hiệu “Chờ người đàn ông hoàn hảo” trong khi đàn ông Việt chỉ dám “Chờ người phụ nữ bình thường”, cuối cùng không ai hạnh phúc cả. Bìa cuốn “Ngược chiều vun vút”, Joe chọn Lê Hoàng đề từ cho mình: “Một chàng Tây viết hay hơn ta”- chẳng phải lập ngôn, nhả ngọc phun châu gì. Thế mới biết ai cũng có điểm yếu.

Được cái, đọc Joe, nghiệm ra không đề tài nào tầm thường. Joe viết về cái khăn tắm, về taxi lừa, về việc nên Hello hay Xin chào, về hội chứng Tây sợ Tết… Thế thôi nhưng đọc vui, và có ích. Thật là gương tốt cho ai hay than bí đề tài, “giá như không có ruồi” (Azit Nexin) sẽ có tác phẩm vĩ đại?

-Đỗ Hoàng Diệu: Trong cái nhỏ có cái to và trong cái to có cái nhỏ. Ta cho rằng đề tài Joe viết là nhỏ, kỳ thực chẳng bé tẹo nào. Hello hay Xin chào là cả bộ mặt đất nước, taxi lừa góp phần làm nên sự lụn bại của ngành dịch vụ, lụn bại niềm tin… Vấn đề Joe đề cập không hề tầm thường.

Tầm thường chăng là mấy bài báo chộp chuyện lộ hàng ca sĩ này diễn viên nọ mà báo chí đang nhai nhải hàng ngày. Những điều Joe viết có ích gấp vạn tiểu thuyết dăm bảy trăm trang bàn chuyện vĩ mô mà nhạt toẹt. Tôi nghĩ khoa Báo chí ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nên mời Joe thỉnh giảng.Lợi lộc sẽ nghiêng về phía sinh viên.  

4.Vâng, thiết nghĩ không cần phải trình bày nhiều thì mọi người đã có những ấn tượng ban đầu về quyển sách Ngược chiều vun vút của Joe, anh chàng tây phù thuỷ nói tiếng Việt. Bản thân tôi, tôi đồng ý với Dương Phương Vinh rằng Joe là một nhà ngôn ngữ kiêm “ma xó”. Vâng, anh ấy rất “ma xó”:

* - Tôi chợt nghĩ từ “tình cảm”(ở Việt Nam) đang bị cưỡng đoạt. Tình cảm dịch sang tiếng Anh là affection, sentiment, warm feel-ing inside… nhiều cách dịch, cách nào cũng để lại cảm giác ấm áp.

Nhưng mỗi lần nghe từ “tình cảm” trong tiếng Việt, tôi có cảm giác không ấm áp lắm.

“Anh ơi, tuần sau mình sang cơ quan thuế gặp chú Nhất, tình cảm tí,” cô trợ lý vừa nói với tôi hôm qua. Là trợ lý lâu năm nên tôi rất hiểu ý cô ấy.Tình cảm có nghĩa là phong bì, cộng vài phút nói chuyện xã giao, thể hiện (giả bộ) sự quan tâm.Trong những trường hợp đó, tôi thích lãnh cảm hơn.(trích Ngược chiều vun vút)

* Cách đây hai tuần, cậu em ruột của tôi lấy vợ. Năm 2005 nó xếp đồ vào ba lô theo anh trai đến Hà Nội. Không lâu sau đó, nó tìm được một cô bé Hà Nội hiền lành – giờ nó đang ăn quả của cây si được trồng vào những buổi chiều mát mẻ thuộc thời “không lâu sau đó”.

Bỏ qua chuyện tôi ở Việt Nam tám năm chưa lừa được ai (đau), cũng chưa được ai lừa (đau hơn), những lần suýt thành thì bị tính cầu toàn của tôi làm hỏng vào phút tám chín (thôi cứ giết tôi bây giờ). Bỏ qua nỗi đau riêng là tôi đã giúp hai em tổ chức lễ ăn hỏi và lễ cưới thành công, thêm nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực đó.

Giờ tôi quyết định biến kinh nghiệm đó thành tiền.Nó được vợ, tôi phải được gì.Nhân và quả.Nhẫn và quà.(Dịch vụ TTBT – Ngược chiều vun vút)

* - Tiếng Việt. Tiếng Việt. Tiếng Anh. Tiếng Việt. Đôi khi nghe người Việt ở tuổi phát triển sự nghiệp nói chuyện với nhau, tôi có cảm giác như tôi vẫn đang ăn trưa ở khu người Việt tại Vancouver.

“Em làm bên finance.” “Chị sẵn sàng settle down.” “Cái đó rất là fix.” “Cậu ấy rất passive.”“Cái background của em ấy là gì?”“Chị ấy hơi pessimistic.”“Tao có advice cho mày.”“Như thế là không tum around được.”“Phải có skill, chứ!” “Có lẽ em sẽ làm finance” “Lương của em sẽ performance based.” “Cô đã nhận passport chưa?” “Như vậy scale sẽ rất cao.” “Lớp em boring lắm!”“Trường đó teaching method tốt chứ!” “Em chưa give up đâu!”

- Có những đất nước ở Châu Á như Singapore và Philippines nói tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ. Cho dù có sự pha lẫn nhất định nhưng chủ yếu đó là hai ngôn ngữ riêng biệt. Ở Việt Nam đang có nguy cơ thành hai trong một. Tiếng Vietnamese. Không hẳn Tây, cũng không hẳn Ta.

-  Khi ngồi buôn chuyện cùng nhau, người Tây sống lâu tại Việt Nam mình hay phát ra những câu như: “She’s a little bit béo”, “Let’s go for some chân gà”, “Call me back later nhé”. Thậm chí lúc về Vancouver tôi cũng thnh thoảng “vô tình” ghép vài từ tiếng Việt vào các câu tiếng Anh:

“I don’t know, I think she’s a bit điệu.”

“Cái gì?” bạn tôi hỏi bằng tiếng Anh.

“Xin lỗi,” tôi trả lời.“Thỉnh thoảng tao vẫn nghĩ bằng tiếng Việt nên các từ đó cứ rỉ xuống câu làm sao ấy.”

“Ôi mày biết tiếng Việt à?”

“Một chút thôi.”

“Trời ơi, giỏi quá!”

( Trích ngược chiều vun vút)

* Một đêm chat chit buồn ngủ, tôi vô tình ngáp được ruồi.

Co X: Nhưng kiểu gì em cũng phải gặp anh, xem anh Joe đẹp trai thế nào

Joe: The thi em nho di dep re tien de luc chay mat em khong thay tiec!

X: haha

* Gần đây có hai người mở cuộc tranh luận sôi nổi nhằm mục đích trả lời câu hỏi: Ai Việt Nam hơn ai?

Hai người đó là tôi, một anh “gốc Tây” biết tiếng Việt và nghiên cứu lâu năm về văn hóa Việt Nam, và bạn tôi, một chị gốc Việt nhưng chưa biết tiếng Việt, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với cộng đồng người Việt lớn.

Ai Việt Nam hơn? Không phải theo ý nghĩa vui vẻ mà người Việt hay dùng để trêu người Tây - “Anh Joe giỏi quá, sắp trở thành người Việt Nam rồi!” - mà theo ý nghĩa sâu sắc nhất, gần nhất với sự thiêng liêng của cụm từ “Người Việt Nam”.

Khi tranh luận phải chọn quan điểm rõ ràng để bảo vệ. “Tao Việt Nam hơn hẳn!” tôi chọn quan điểm rõ ràng nhất có thể. “Mày được cái là dòng máu Việt - nhưng máu chỉ chuyển ôxy thôi, không chuyển văn hóa đâu.” ...

( Ai Việt Nam hơn ai? Trích Ngược chiều vun vút)

5. Những câu chuyện được tác giả lọc và chia theo cảm xúc khi viết: Bực – Vui – Tiếc – Tò mò – Muốn giãi bày. Tuy được diễn đạt với cách nói hài hước trào phúng nhưng các mẩu bài viết vẫn giữ được mạch nghiêm túc và chân thật. Nội dung khá đa dạng dàn trải quay quanh cuộc sống, mối bận tâm và những mối quan hệ của những người nước ngoài trải nghiệm tại Việt Nam và nhìn nhận về Việt Nam mà Joe là đại diện.

Đọc sách “Ngược chiều vun vút”, chúng tôi tin rằng bạn sẽ có được những trải nghiệm thú vị của riêng mình, có thể những gì bạn bắt gặp là những hình ảnh bạn đã quen, những chủ đề bạn lần đầu nghĩ đến hay nhưng câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ, qua góc nhìn của tác giả – người nước ngoài sống một thời gian dài tại Việt Nam – trở nên tươi tắn và thu hút hơn.

Xin giới thiệu với các bạn: Ngược chiều vun vút với các bài viết ngắn:

- Các tay còi Việt Nam

- Tạm biệt Hello

- Dịch vụ TTBT

- Hội phụ nữ ế chồng

- Luật pháp và tình yêu

- Em làm bên finance

- Thoát xấu với Charisma Man

- Văn hóa ong kiến

- Hội những người thích ở một mình

- Cảm giác sáng hôm sau

- Hâm 3.0

và hơn thế nữa...

Người viết bài giới thiệu: Lê Thị Bình

GIỚI THIỆU SÁCH “TÂM HUYẾT NHÀ GIÁO”

     THƯ VIỆN TRƯỜNG THCS LONG TOÀN

GIỚI THIỆU SÁCH

                           "TÂM HUYẾT NHÀ GIÁO"                                 
Kính thưa quý thầy cô cùng các em HS thân mến!

       Hướng tới kỷ niệm 15 năm ngày thành lập trường THCS Long Toàn (2004- 2019), 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2019). Các trường học, hơn ở đâu hết phải bảo tồn bằng được truyền thống “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO”.  Thực tiễn xã hội nước ta hiện nay đòi hỏi cần phải làm gì để giữ gìn và phát huy nét văn hóa “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO” của dân tộc ta, đó là một vấn đề có tính cấp bách ở các trường học. Như Bác Hồ đã nói:“Giáo dục đạo đức cho thế hệ đời sau là một việc làm rất cần thiết”. Cái tài cái đức của thầy giáo, cô giáo là NHÂN, mà “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO” của xã hội ta là QUẢ.

          Hôm nay thư viện trường THCS Long toàn xin giới thiệu đến  quý thầy cô cùng các em Học sinh  cuốn sách với nhan đề TÂM HUYẾT NHÀ GIÁO.

          Sáng tác về nghiệp giáo từ trước đến nay không phải là đề tài mới mẻ, nhưng mỗi tác phẩm thơ văn, mỗi bài hát, bức họa về hình ảnh người thầy vẫn thường làm xúc động lòng người. Tâm tư nghề giáo quả thật vô cùng phong phú, những  vui buồn nhà giáo cúng là những điều nói bao nhiêu lần cũng  không vơi cạn. Thêm một lần, đọc tâm huyết nhà giáo của NXB GD để chúng ta hiểu thêm về tâm sự của những người đã và đang từng đứng trên bục giảng.


          TÂM HUYẾT NHÀ GIÁO là bộ sách ra đời từ cuộc thi viết truyện ngắn về nhà giáo Việt Nam do Bộ GD- ĐT, Hội nhà văn VN, Công đoàn GD VN, NXB GD kết hợp tổ chức. Cuộc thi đã tập trung về đề tài Nhà giáo VN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với khuôn khổ 13.5 x 20,5 cm, dày 368 trang, sách gồm 35 truyện ngắn được tuyển chọn từ  hàng trăm truyện gửi tới  tham dự cuộc thi.

          Ấn tượng khi đọc các sáng tác dự thi là niềm hứng thú trước những trang viết đầy tâm huyết đúng như tên gọi của cuốn sách. 35 câu chuyện là bấy nhiêu hoàn cảnh, bấy nhiêu nỗi niềm của các thầy cô giáo, có người chỉ mới đặt chân vào nghề, có người đã sắp tạm biệt phấn trắng, bảng đen, lại có cả tâm tư học trò hướng về người dạy dỗ... Đặc biệt, các tác giả đã không tránh né những hiện thực cuộc sống đang là áp lực cho công việc của nhà giáo trong thời hiện đại. Có lẽ bởi nội dung phong phú như vậy mà sách sẽ mang đến cho người đọc những ham thích thực sự.

          Rất nhiều sáng tác đọc xong chắc chắn sẽ khiến độc giả phải dừng lại để suy tư ngẫm nghĩ. Mỗi truyện ngắn là một mảng tâm tình, là một triết lí sống nhân hậu từ những tháng năm đứng trên bục giảng của người thầy. Có thể kể đến một số tên gọi như: Khung cửa chữ, Mùi thật thà, Giọi nước cho chút lá xanh, Điều không có trong giáo án ... Có một câu chuyện khá đặc biệt tạo ấn tượng buồn cho người đọc ngay từ những dòng đầu: “Thầy Tụ đã chuyển về trại giam này được một năm. Hôm nay ngày 19, mai đã là ngày Hiến chương các Nhà giáo. Ngày Hiến chương năm nay thầy Tụ vẫn ở tù. Mấy ngày gần đây ông cảm thấy ân hận, vợ con ở nhà phải nghe lời gièm pha thay cho chúc mừng”.

          Điều gì đã xảy ra để dẫn đến việc một thầy giáo phải rơi vào hoàn cảnh như vậy. Người đọc sẽ cảm thấy tò mò muốn được tìm hiểu nguyên nhân. Sau những trang văn kể về một chuyến thăm thầy và một bữa tiệc mừng ngày nhà giáo tại trại giam, nguời viết đã dùng nhiều lời lẽ ca ngợi tài năng và đức độ của thầy Tụ. Và nguyên nhân cũng đã được rõ: “Một học sinh khóa trước làm ở ngân hàng, một học sinh khóa sau muốn vay tiền phát triển kinh tế trang trại lại không có gì để thế chấp, đã nhờ uy tín của thầy vay năm mươi triệu cho mình. Làm ăn thua lỗ, đến ngày phải trả cả vốn lẫn lãi, không còn khả năng hoàn lại số tiền trên, trò đã bỏ trốn! Thầy là người đứng tên vay nên phải chịu trách nhiệm”.

          Hóa ra cuộc đời người thầy phải có những nỗi buồn và những bài học ngoài giáo án như vậy. Người đọc ngậm ngùi cho hoàn cảnh của thầy Tụ. Và ngậm ngùi hơn khi kết thúc truyện, sau khi thầy đi lao động ngoài trời và không tránh kịp một cơn mưa lớn, hơn nữa lại thêm tuổi cao sức yếu nên thầy đã ra đi vĩnh viễn vào cuối ngày 20/11.

          Đọc trang truyện, chúng ta đau lòng và không thể không suy nghĩ về những bi kịch cuộc đời những con người nhân hậu như thầy Tụ vẫn phải gánh chịu .

          Thế nhưng, bừng sáng trong toàn tập sách vẫn là một ý nghĩa cao cả về nhà giáo, đó là nghề cao quý, thiêng liêng sẽ tạo ra những giá trị thiêng liêng, cao quý cho cuộc sống. Câu chuyện của nhân vật Long trong Dưới tán xà cừ sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn điều đó. Long là một học trò cá biệt cuả thầy Trung. Bên cạnh các bạn Hoa, Thảo, Thùy..., những học trò nghèo xóm Bãi mà thầy Trung hết mực thương yêu, Long là học sinh con nhà khá giả, là người luôn để lại trong lòng thầy nhiều nỗi lo buồn. Long đã có rất nhiều những hành động ngỗ nghịch, đáng nhớ nhất là lần Long ném hòn chì vào mặt Hoa làm chảy máu và bỏ trốn. Thầy Trung đã tìm Long đến gần nửa đêm và dắt cậu bé về, xoa dịu sự giận dữ trong lòng người cha dữ đòn. Từ những lời khuyên bảo nhẹ nhàng, ân tình, thầy đã cảm hóa được cậu học trò nhỏ “bất trị”. Chi tiết sau cùng thật cảm động, vào phút cuối của thầy Trung trên giường bệnh, khi tất cả những người thân và học trò đã không có ai cùng nhóm máu tiếp cho thầy, bỗng nhiên như thần thánh, Long xuất hiện sau thời gian dài vắng mặt, trong bộ quân phục màu xanh lá: “Long gạt đám bạn bước vào phòng bác sĩ:

-         Tôi nhóm máu AB.

Bác sĩ ngỡ ngàng, mắt ánh lên tia nhìn hy vọng.

-         Anh là...- Tôi là học trò của thầy...

-         Dòng máu đỏ thắm chầm chậm chay từ cánh tay vạm vỡ của Long sang cánh tay mảnh khảnh chằng chịt gân xanh của thầy Trung. Mắt long lanh đăm đắm hướng ra ngoài. Bầu trời mênh mang, xanh thăm thẳm”.

Câu truyện kết thúc có hậu như một chuyện cổ tích, và lan tỏa mãi trong lòng người là giá trị tinh thần vô giá, là tình người đằm thắm mà chính thầy giáo là người đã vun đắp miệt mài. Vẫn còn nhiều truyện ngắn hay mà chúng ta chưa điểm hết vì thời gian không cho phép.

Trong số nhiều lời ngợi ca thầy giáo mà chúng ta đều biết, có lẽ hay nhất vẫn là câu nói: “Dưới ánh sáng của mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Đúng vậy, điều đó đã được cuộc đời của mỗi người từng qua thời phấn trắng bảng đen kiểm định. Và TÂM HUYẾT NHÀ GIÁO sẽ là món quà tinh thần vô giá cho những người đi dạy- đi học. Vâng, cho dẫu cuộc sống nhiều biến động, những người làm thầy sẽ luôn biết vun đắp ước mơ cho thế hệ trẻ, luôn biết giữ gìn cho ngọn lửa của lòng mình luôn cháy mãi. Kết thúc bài giới thiệu hôm nay thư viện nhà trường gửi đến các em HS một một câu nói của ngà thơ Tagor (Ấn Độ ). “Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm”. 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt!